top of page

Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số


Công nghệ chuỗi khối (blockchain) được xem là “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin. Hiện Đà Nẵng đã bắt đầu tiếp cận nền tảng và thí điểm các ứng dụng công nghệ blockchain để đưa vào trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số, qua đó khai phá thêm những tiềm năng to lớn của blockchain.


Công nghệ chuỗi khối blockchain với những đặc trưng về tính an toàn, bảo mật và thuận tiện trong kết nối trên môi trường số đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực chuyển đổi số và một trong những đặc tính quan trọng của blockchain là minh bạch, rõ ràng.


Vài năm trở lại đây, công nghệ blockchain phát triển rất nhanh đã xây dựng ra được những nền tảng mới cho phép mọi người mua bán, trao đổi hàng hóa. Vì vậy, việc thúc đẩy ứng dụng của công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro, từ đó tạo ra sự tin cậy cho việc giao dịch và quản lý tài sản.



Tại hội thảo “Giới thiệu nền tảng và các ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số” do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam vừa tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7 vừa qua đã giới thiệu về nền tảng blockchain và các ứng dụng thực tế, ứng dụng giải pháp kết nối thế giới thực - ảo trong việc tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thành phố… cũng như kế hoạch hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển kinh tế số bền vững. Để thực hiện kế hoạch trên, Đà Nẵng đang triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động thí điểm nền tảng DaNangChain với sự hỗ trợ về mặt công nghệ từ KardiaChain.


Theo ông Huy Nguyễn, Giám đốc Công ty CP Kardia Labs, Đà Nẵng cần xây dựng và triển khai nền tảng chuỗi khối DaNang Chain; đây còn là cơ sở đưa Đà Nẵng tiến lên trở thành thành phố thông minh và cũng là nền tảng tiên quyết hình thành nên trung tâm tài chính số toàn diện…


Việc Đà Nẵng đầu tư nền tảng DanangChain sẽ phục vụ cho phát triển thành phố thông minh, tài chính số và nền tảng cho chính phủ điện tử của thành phố. Đây là yếu tố tiên quyết đầu tiên cần phải thực hiện. Bên cạnh đó, khi Đà Nẵng sở hữu nền tảng riêng cho mình sẽ giảm chi phí vận hành xuống rất thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng được nền tảng mà không phải đi tới những cái “chain” khác trên toàn quốc tế.


Được biết, DanangChain dự kiến hoàn thiện trong quý 3-2023 và khởi động để tất cả các đơn vị, doanh nghiệp có thể tham gia. Dự kiến đến quý 4-2024, Đà Nẵng sẽ ra mắt nền tảng DanangChain, đây cũng sẽ là hạ tầng blockchain công khai quy mô ở thành phố đầu tiên không chỉ Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á.


Việc triển khai công nghệ mới, cụ thể là Blockchain vào các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là khu vực công, cần phải có một lộ trình triển khai để các cấp, các ngành hiểu, nhận thức đúng vấn đề để chuyển đổi; phát triển cộng đồng các doanh nghiệp Blockchain/cộng đồng nhân lực Blockchain có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bắt đầu từ thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét cách thức để đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho công nghệ Blockchain. Quy định sẽ cần phải tiến triển song song với ứng dụng và phát triển công nghệ mới.

18 views0 comments

Comments


bottom of page