top of page

Ứng dụng của blockchain trong bảo mật IoT


Blockchain hoạt động như thế nào?

Blockchain, một công nghệ sáng tạo, hoạt động dựa trên nguyên lý kết nối các khối dữ liệu trong một chuỗi. "Blockchain" là sự kết hợp của hai từ: "block" (khối) và "chain" (chuỗi). Các khối dữ liệu này được các thành viên tham gia vào mạng blockchain ghi chép và xác nhận. Điều này tạo ra một hệ thống phân tán, càng nhiều người tham gia, hệ thống càng mạnh mẽ và an toàn.


Một ví dụ điển hình của blockchain là Bitcoin, loại tiền điện tử đầu tiên áp dụng công nghệ này. Trong Bitcoin, mỗi giao dịch được tất cả các máy tính trong mạng lưới xác minh và sau đó ghi vào một khối dữ liệu. Quá trình xác minh này, thường được gọi là "đào coin," được khích lệ bằng việc thưởng Bitcoin cho những người tham gia.


Do cách hoạt động này, mỗi giao dịch được hàng trăm ngàn máy tính trên toàn cầu xác minh và lưu trữ. Hệ thống rộng lớn và phân tán này giúp tăng độ an toàn, làm cho việc tấn công hay can thiệp vào dữ liệu trở nên vô cùng khó khăn cho hacker.


Thách thức bảo mật IoT

Theo báo cáo của Juniper Research, có tới 46 tỷ thiết bị có kết nối internet (IoT devices) dự kiến sẽ được kết nối vào năm 2021. Trong khi đó, chi phí tích lũy của các vụ vi phạm dữ liệu từ năm 2017 đến 2022 dự kiến sẽ chạm mốc 8 nghìn tỷ đô la. Dưới áp lực của tội phạm mạng tăng cao, bảo mật IoT sẽ là một thách thức lớn đối với bất kì doanh nghiệp phát hành và sử dụng thiết bị IoT nào.


Từ nhà và văn phòng thông minh cho đến ô tô được kết nối, máy bay không người lái, xe tải tự lái và thậm chí đến cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điều khiển công nghiệp. Hệ thống này đang là một phần của Internet công nghiệp (IIoT). Tất cả các mạng IoT hiện tại và mạng IoT mới đều phải đối mặt với nguy cơ đe dọa mạng rất cao.



Ứng dụng của blockchain trong bảo mật IoT

Công nghệ Blockchain là một công nghệ mới nổi cùng với IoT sẽ mang lại nhiều hứa hẹn trong việc giúp các thiết bị được kết nối an toàn. Trong khi công nghệ Blockchain đã trở nên nổi bật trong thế giới fintech (tài chính công nghệ) bằng cách mở ra một cuộc cách mạng thanh toán điện tử, nền tảng công nghệ cơ bản này là nhân tố đứng đằng sau sự thành công và gia tăng của tiền điện tử. Nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong an ninh mạng, đặc biệt là trong không gian IoT.


Hệ thống an ninh mạng dựa trên blockchain giúp bảo mật các thiết bị IoT bằng cách sử dụng chữ ký điện tử để xác thực chúng. Những thiết bị này, khi được xác thực, trở thành các thực thể hoạt động trong mạng blockchain, tương tự như cách hoạt động của mạng blockchain truyền thống. Giao tiếp giữa các thiết bị IoT đã được xác thực được mã hóa và lưu trữ an toàn, ngăn chặn sự giả mạo.


Mọi thiết bị mới khi tham gia mạng đều được định danh bằng một ID kỹ thuật số duy nhất trên hệ thống blockchain, tạo ra một kênh liên lạc bảo mật giữa các thiết bị. Nền tảng này cũng cho phép các thiết bị truy cập an toàn vào hệ thống chính hay cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, sử dụng kiến trúc Software-defined perimeter (SDP) và mô hình Zero-Trust, giải pháp an ninh mạng dựa trên blockchain tạo ra một lớp bảo mật bổ sung, làm cho các thiết bị đã xác thực không thể bị phát hiện bởi hacker. Chỉ những thiết bị được xác minh mới có khả năng "nhận diện" sự tồn tại của nhau, tăng cường bảo mật cho cơ sở hạ tầng IoT.


Lợi ích và con đường phía trước

Một nền tảng được vận hành bởi blockchain sử dụng một thiết lập phi tập trung (decentralized), khiến hacker gần như không thể tấn công vào hệ thống bằng cách đánh gục 1 mục tiêu.


Kiểm soát dựa trên sự đồng thuận phân bố trách nhiệm bảo mật trên các nút trong mạng blockchain khiến các hackers không thể giả mạo vào mạng đó và cũng đồng thời bảo vệ mạng IoT không bị phá hủy bởi các cuộc tấn công DDoS. Việc phân cấp cũng làm cho một giải pháp như vậy có khả năng mở rộng cao hơn. Đó là một trong những mối quan tâm lớn nhất của việc triển khai hệ thống an ninh mạng trên một mạng lưới ngày càng phát triển như trong trường hợp các thiết bị được kết nối. Với mọi thiết bị mới được thêm vào hay xóa đi, thay đổi sẽ được thông báo ngay lập tức cho tất cả người tham gia. Điều này sẽ cho phép hệ thống có thể thích ứng và linh hoạt để mở rộng và phát triển theo thời gian mà không cần nâng cấp toàn bộ nền tảng.


Hệ thống an ninh mạng dựa trên blockchain có khả năng bảo vệ các nhà thông minh, phương tiện tự hành, cơ sở hạ tầng IoT và thậm chí cả các thành phố thông minh. Công nghệ này, khi kết hợp với kiến trúc SDP, có thể cung cấp giải pháp bảo mật vững chắc cho thiết bị, mạng và truyền thông IoT, giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi các lỗ hổng và rủi ro mạng hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho việc phát hiện và ngăn chặn các lỗ hổng mới.


Với sự phát triển song song của blockchain và IoT, việc kết hợp hai công nghệ này có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến bộ trong nhiều ngành công nghiệp, các thành phố và quốc gia. Bằng cách giảm bớt gánh nặng bảo vệ một hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị ngày càng lớn, mà không cản trở tốc độ đổi mới, blockchain và IoT mở ra hướng đi mới cho tương lai “thông minh”.


9 views0 comments

Comments


bottom of page