top of page

Trí tuệ nhân tạo: Ngành hấp dẫn, lương cao nhưng thiếu nhân lực

Xu hướng tương lai Nằm trong top 3 thu nhập của lĩnh vực IT, lại đón đầu xu thế công nghệ, ngành trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn triển vọng phát triển vượt bậc. Nhân sự mảng này được các doanh nghiệp rộng cửa săn đón nhưng luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Tháng 11/2022, ứng dụng mới có tên gọi ChatGPT - một chatbot được mệnh danh là "trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) thông minh nhất thế giới" do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển tạo cơn sốt trên toàn cầu. ChatGPT đạt hơn 100 triệu người dùng chỉ sau 3 tháng ra mắt. Đó chỉ là một trong số rất nhiều ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, cùng với các sản phẩm quen thuộc khác như y tá ảo, trợ lý ảo, robot làm việc nhà, robot công nghiệp... Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, tập trung vào việc nghiên cứu các phương pháp khoa học, các công cụ và nền tảng công nghệ để trích xuất thông tin hữu ích, kiến thức từ dữ liệu và xây dựng mô hình giải quyết vấn đề phức tạp.

Theo báo cáo mới nhất từ Accenture công bố đầu tháng 6/2022, hơn 70% doanh nghiệp trong mảng tài chính - ngân hàng trên thế giới kỳ vọng AI sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực của họ. Nhiều công ty tin rằng, công nghệ này có thể giúp cải thiện năng suất và tăng doanh thu. Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo và nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển lĩnh vực này đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở mọi doanh nghiệp, tổ chức. Một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cho biết, AI đang dần trở thành ngành công nghiệp và là một nghề. AI trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) luôn nằm trong top 3 về thu nhập. Tuy nhiên, việc đào tạo AI hiện nay chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng. Nhân sự có năng lực trong ngành này được săn đón và làm không hết việc. Ngành Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng nhưng ít ai biết Theo tiến sĩ Đinh Minh, chủ nhiệm cấp cao chương trình thạc sĩ trí tuệ nhân tạo (Đại học RMIT), hiện ngành AI đang phát triển rất nhanh và sâu nên khó để tìm được chuyên gia có đủ kiến thức về lĩnh vực này như Machine Learning (máy học), ngôn ngữ... để theo kịp xu thế. "Trong khi đó, việc đào tạo AI hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng", ông Đinh Minh nhấn mạnh tại phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội AI4VN tại Hà Nội năm 2022. Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài cho rằng thiếu hụt nguồn nhân lực AI đang là 1 trong 3 khó khăn hàng đầu của các đơn vị trong quá trình làm việc. Theo ông, AI dần trở thành một ngành công nghiệp và là một nghề, do đó thiếu hụt nhân lực không chỉ là khó khăn của Việt Nam nói riêng, mà cả thế giới nói chung, nhưng thừa nhận tình trạng này ở trong nước là "khá lớn". Những năm vừa qua, các trường đại học tại Việt Nam đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng số sinh viên đăng ký vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu lại thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin. "Phải chăng do chúng ta nói về nghề AI cao siêu, chung chung nên phụ huynh và học sinh khó có lựa chọn, từ đó thiếu lại càng thiếu", lãnh đạo Viện AI Việt Nam đặt câu hỏi. Dưới góc nhìn một chuyên gia quốc tế, ông Anissh Pandey - Giám đốc NVIDIA khu vực ASEAN cho rằng trong đào tạo AI, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nhân tài là quan trọng nhất. Hiện nay, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đào tạo AI nhưng vị chuyên gia nhận định khoảng cách giữa phát triển AI và đào tạo AI ở Việt Nam "vẫn còn khá lớn" và thực tế việc đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI còn chưa bắt kịp. "Việt Nam là quốc gia phát triển AI hàng đầu ở khu vực, tuy nhiên cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khó thu hút nhân tài. Trong khi đó, các quốc gia khác như Singapore hay Thái Lan là những nước nằm trong 20 nước phát triển AI hàng đầu đều tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài ở lĩnh vực này", ông Anissh Pandey đánh giá. Hiện nay không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân lực AI. Là một nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Việt Nam xác định trí thông minh nhân tạo là ngành công nghệ mũi nhọn trong thời đại công nghệ 4.0. Với tốc độ phát triển “thần tốc” như hiện nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam được dự báo sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực cho những ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt.

1 view0 comments

Comments


bottom of page