top of page

Phóng sự khoa học "Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt: Thực trạng và giải pháp"

TP. HỒ CHÍ MINH - Vào ngày 1/7/2023, tại nhà khách Quốc Hội, Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) phối hợp với công ty cổ phần công nghệ Trí Tuệ Việt đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt: Thực trạng và giải pháp". Hội thảo do TS Hoàng Văn Ninh, Phó Viện trưởng IDS, làm chủ nhiệm đề tài.


Theo Quyết định số 01-DA/2023/QĐ-IDS ngày 15/5/2023, đề tài nhằm nghiên cứu về pháp luật về hoạt động phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam, phân tích các hạn chế và bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, đề xuất phương hướng và kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chính sách pháp luật liên quan.


Trên tinh thần hợp tác và chia sẻ kiến thức, Hội thảo về phát triển kinh tế số và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã thành công với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia hàng đầu và đại diện quan trọng trong ngành. Sự kiện đã tạo nên một diễn đàn quan trọng để các bên liên quan có thể thảo luận, trao đổi ý kiến và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững.



Sự kiện với sự góp mặt của có sự tham dự của các chuyên gia, ban quản lý nhà nước và đại diện quan trọng trong lĩnh vực. TS Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số, Ths Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và ông Phạm Ngọc Lâm, Vụ trưởng, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội thảo đã nhận được những ý kiến quan trọng và chuyên sâu từ các chuyên gia đã đóng góp vào việc xây dựng một môi trường thúc đẩy sự chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính.



Nội dung chương trình hội thảo với mục tiêu đóng góp ý kiến thông qua các phiên tham luận đến từ các tổ chức, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước. Qua 2 phiên với các nội dung trình bày tham tham luận khoa học đã ghi nhận nhiều tiêu điểm đáng chú ý sau.

Gợi mở vấn đề


Phiên tham luận đầu tiên mang chủ đề "Thực trạng, cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng trước bối cảnh chuyển đổi số". Ths. Phạm Ngọc Lâm đã trình bày về "Hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam". Ông nhấn mạnh rằng việc phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt luôn được quan tâm và chỉ đạo sát sao từ các cơ quan quản lý tại Việt Nam. Ông cũng đề cập đến việc rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển hình thức thanh toán này.



Nhìn nhận về cơ hội, thách thức đối với việc chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt, TS. Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam(VNBA) đã có nhiều chia sẻ quý giá cho đề tài này. Trong đó, các ý kiến được nhấn mạnh về việc chuyển đổi số đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng tại Việt Nam, từ đó giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường hiệu quả hoạt động của ngân hàng.


Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quốc Hùng vẫn không quên nhắc đến thách thức lớn nhất liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán cũng như về các cơ chế pháp lý cần được hoàn thiện phù hợp với xu thế phát triển. Sự phát triển của các công nghệ mới như blockchain, big data và AI cũng đòi hỏi các ngân hàng cũng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các biện pháp an toàn an ninh mạng.


Theo ông “Ngân hàng nhà nước nên xem xét các phương án đưa ra các yêu cầu về quản trị rủi ro công nghệ thông tin, dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn trong dịch vụ thuê ngoài, quyền riêng tư, bảo vệ an toàn dữ liệu”.


Về kinh nghiệm quốc tế và giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam


Mở đầu phiên thứ 2, Ông Bùi Xuân Phú, Trưởng phòng nghiên cứu công nghệ blockchain, đại diện cho Công ty CP Phát Triển Công nghệ Trí Tuệ Việt, đã trình bày một số nội dung tham vấn cho hội đồng nghiên cứu về ứng dụng của blockchain trong thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam. Trong bài tham luận, ông Phú đã cung cấp các thông tin mới nhất và chỉ ra tầm quan trọng của công nghệ blockchain đã được áp dụng thành công bởi các quốc gia, tổ chức ngân hàng và doanh nghiệp trên thế giới. Ông nhận định rằng không chỉ ở châu Âu, mà các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc áp dụng blockchain trong hệ thống thanh toán.

Ngoài ra, ông Bùi Xuân Phú, từ góc nhìn của một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain, cũng nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy và lan tỏa công nghệ blockchain tại Việt Nam sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn để xây dựng một môi trường phát triển sôi nổi, thu hút tài nguyên và đảm bảo sự phát triển bền vững.



Trong buổi tham luận, Ths. Phan Hồng Quân, Trưởng ban Hội viên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã mang đến những thông tin đáng chú ý về sự phát triển của đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) tại châu Âu, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Ông tập trung đặc biệt vào việc trình bày về đồng tiền kỹ thuật số e-CNY do Trung Quốc phát hành, đánh dấu tham vọng xây dựng một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Với những tương đồng mấu chốt, Trung Quốc trở thành một ví dụ điển hình giúp ta nhìn thấy khía cạnh mới về ứng dụng giải pháp thanh toán không sử dụng tiền mặt.



Trong bài tham luận cuối cùng, Ths. Phạm Hồng Hạnh, đại diện cho đại biểu Đào Xuân Tùng Anh từ Vụ Tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã trình bày về "Giải pháp thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt kết hợp với sáng tạo và phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại Việt Nam". Bài tham luận đã đề cập đến nhiều thách thức liên quan đến thói quen và văn hóa sử dụng tiền mặt tại Việt Nam, một tình trạng tồn tại trong thời gian dài và chiếm tỷ lệ lên tới 73% vào năm 2022. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong quá trình chuyển đổi sang hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Bài tham luận cũng đưa ra nhiều định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy sự thay đổi trong những năm tiếp theo.

Sau hai phiên tham luận, Ths. Dương Quốc Anh, đại diện Hội đồng chuyên môn, đã đưa ra ý kiến về báo cáo tóm tắt và nhấn mạnh những điểm cần chú ý để Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu. Ông đề xuất chỉnh lý và hoàn thiện báo cáo, sau đó báo cáo cho Hội đồng chuyên môn tại Hội thảo trực tuyến vào trung tuần tháng 9 năm 2023 trước khi tiến hành nghiệm thu chính thức.


18 views0 comments

Comments


bottom of page