top of page

Châu Á - Thái Bình Dương và cuộc đua phát triển CBDC

CBDC là gì? CBDC mang ý nghĩa là Central Bank Digital Currency hay là những đồng tiền kỹ thuật số được đúc và kiểm soát bởi các ngân hàng trung ương. Sự ra đời của chúng nhằm mục đích kiểm soát dòng tiền và nền kinh tế của quốc gia thông qua đồng tiền điện tử, vốn được quy đổi 1:1 với đồng tiền của quốc gia đó. Việc được đứng sau bởi cơ quan trung ương tập trung thay vì một cộng đồng phân tán chỉ ra điểm khác biệt to lớn giữa CBDC so với các stablecoin thông thường. CBDC hoạt động như thế nào?

CBDC hoạt động theo cách tương tự như tiền tệ fiat thông thường. Nó giống như một hệ thống thanh toán kỹ thuật số cho phép người dùng gửi và nhận tiền ngay lập tức ở bất cứ đâu. Ngoài ra, CBDC không chỉ là phương tiện thanh toán mà còn lưu trữ giá trị của tiền pháp định. Các giao dịch trên CBDC dựa trên tài khoản yêu cầu xác minh ID của người gửi và người nhận để hoàn thiện giao dịch. Tại sao CBDC ngày càng được quan tâm? CBDC là phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ hợp pháp tại một quốc gia do ngân hàng trung ương của quốc gia đó hỗ trợ và phát hành. Vì nó thực sự chỉ là phiên bản kỹ thuật số, nên giá trị của nó cũng giống như tiền giấy vật lý. Ví dụ với CBDC của Trung Quốc, 1 e-CNY bằng 1 CNY. Chúng có thể được giữ trong tài khoản của ngân hàng trung ương hoặc dưới dạng token điện tử trong ví kỹ thuật số , thiết bị di động và cả thẻ trả trước. Có hai trường hợp sử dụng CBDC. Thứ nhất, bán lẻ được ký hiệu là CBDC-R, có liên quan đến các giao dịch tư nhân. Thứ hai là bán buôn, wCBDC, được sử dụng trong các giao dịch và thanh toán giữa ngân hàng với các tổ chức tài chính. Các quốc gia có thể thiết kế CBDC của họ cho cả hai trường hợp sử dụng, như Trung Quốc và Thái Lan đang làm, hoặc bắt đầu với một trong hai trường hợp, chẳng hạn như Hàn Quốc và Nga, thí điểm cho mục đích sử dụng bán lẻ. Trong khi đó, Singapore và Saudi Arabia chỉ thử nghiệm bán buôn. Châu Á - Thái Bình Dương đi đầu trong việc nghiên cứu CBDC Công nghệ mang tới cho CBDC nhiều điểm ưu việt, tuy nhiên vẫn còn nhiều mối lo ngại, từ cơ sở hạ tầng, an ninh mạng và quyền riêng tư cho đến chống lừa đảo, tài trợ khủng bố và rửa tiền. Đây là những mối lo cần được các quốc gia giải quyết.

Điều này có thể giải thích tại sao không có quốc gia nào ở châu Á chưa tung ra CBDC hoàn chỉnh. Cho đến nay, có 15 quốc gia vẫn đang nghiên cứu về CBDC, 10 quốc gia đang trong giai đoạn phát triển và 10 quốc gia đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trong số 11 quốc gia ASEAN, chỉ có Brunei và Timor-Leste vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể cho CBDC. Chương trình thí điểm là giai đoạn gần như cuối cùng trong việc phát triển CBDC, tại châu Á có các quốc gia đang ở giai đoạn này như: Nga, Ả Rập Saudi, Kazakhstan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore và Thái Lan. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã bắt đầu thử nghiệm wCDBC đầu tiên cho đồng rupee điện tử trong tháng này và dự định bắt đầu thử nghiệm cho việc sử dụng bán lẻ với năm ngân hàng vào tháng 12/2022. Ngân hàng Nhật Bản sẽ bắt đầu thử nghiệm sử dụng đồng yên kỹ thuật số với ba ngân hàng lớn của đất nước và các ngân hàng trong khu vực vào 2023.

Các NHTW ở Châu Á quan tâm đến cả CBDC bán buôn và bán lẻ Động lực để các NHTW tập trung phát triển CBDC bán buôn là việc nâng cao hiệu quả và tính an toàn, bảo mật của các hệ thống thanh toán, đặc biệt là đối với các giao dịch thanh toán xuyên biên giới, đồng thời, giảm thiểu chi phí giao dịch. Điều này cũng được phản ánh trong cuộc khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) về CBDC năm 2022, trong đó, hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh toán đã trở thành tác nhân chính cho phát triển CBDC những năm qua. Gần đây là Dự án Dunbar nghiên cứu về CBDC cho thanh toán quốc tế với sự tham gia của các NHTW Úc, Ma-lai-xi-a, Singapore và Nam Phi, cùng với Trung tâm đổi mới sáng tạo của BIS (BIS Inovation Hub - BISIH). Tương tự, thử nghiệm ban đầu từ Dự án mBridge CBDC khác nhau (gồm Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Thái Lan, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phối hợp với BISIH) cho thấy kết quả đầy triển vọng về mặt thời gian và hiệu quả chi phí. Mặt khác, ở khía cạnh CBDC bán lẻ, sự quan tâm bắt nguồn từ mong muốn của NHTW nhằm đáp ứng nhu cầu về tiền mặt kỹ thuật số/thanh toán số và cung cấp giải pháp thay thế cho tiền mã hóa khu vực tư nhân. Các quốc gia ngày càng quan ngại về rủi ro ổn định tài chính tiềm ẩn từ các tài sản mã hóa tác động của chúng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHTW, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Đơn cử như Thái Lan đã cấm sử dụng tài sản mã hóa làm phương tiện thanh toán hợp pháp (có hiệu lực từ tháng 4/2022) để phòng ngừa rủi ro thay thế tiền tệ, giảm hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và bảo vệ người tiêu dùng… khi giá trị tiền mã hóa biến động. Những quan ngại này đã trở lên nghiêm trọng hơn bởi sự biến động bất thường về giá trị của các tài sản mã hóa trên thị trường. Mặc dù có nhiều ưu điểm và tác động tới kinh tế quốc gia, vẫn còn quá sớm để đánh giá về thành công hoặc rủi ro của CBDC. Bên cạnh những lợi ích không thể chối bỏ, CBDC vẫn tồn tại một số vấn đề như việc có thể thay đổi hệ thống tài chính ổn định, ảnh hưởng chính sách tiền tệ, quyền riêng tư và bảo vệ an ninh mạng. Nền kinh tế số vẫn còn khá non trẻ, do đó mỗi quốc gia cần nghiên cứu, thí điểm và thử sai nhiều trước khi đi đến quyết định có nên triển khai CBDC hay không.

2 views0 comments

Comments


bottom of page